Mất ngủ sau sinh ở mẹ bỉm sữa bạn cần biết

Bạn nhắm mắt lại, thả lỏng cho cơ thể được nghỉ ngơi sau một ngày dài căng thẳng và áp lực. Nhưng những thước phim cuộc sống cứ xuất hiện trong đầu bạn hết tập này tới tập khác. Bạn cố gạt nó ra, đếm cả trăm con cừu, lăn lộn vật vã không biết bao lần để đi vào giấc ngủ. Đó là triệu chứng của bệnh mất ngủ.

mat-ngu-sau-sinh

Bạn giật mình thức giấc vì cái trở mình của con, xong lại trằn trọc không thể nào ngủ tiếp được. Ngước nhìn đồng hồ chỉ mới 2h sáng – bạn trở thành một con cú đêm bất đắc dĩ vì hội chứng mất ngủ.

Bạn có thấy mình đâu đó trong câu chuyện trên sau khi sinh con? Có thể bạn sẽ ngay lập tức nghĩ rằng: phụ nữ sau sinh phải cho con bú đêm, ai cũng phải trải qua giai đoạn mất ngủ. Nhưng nếu việc mất ngủ trong một thời gian dài, làm ảnh hưởng tới sức khoẻ và tinh thần thì mất ngủ được xem là bệnh.

Theo thống kê của Hiệp hội tâm thần Mỹ (APA), mất ngủ là một trong những bệnh phổ biến nhất của chứng rối loạn giấc ngủ.

Nguyên nhân thực sự của hội chứng rối loạn giấc ngủ sau sinh là gì?

Hầu hết các bà mẹ đều phải đối mặt với việc chăm sóc con nhỏ, thay đổi nhịp sinh học khi phải cho con bú hoặc vắt sữa cả ngày lẫn đêm mỗi 3-4h một lần. Bạn phải thức dậy liên tục tập cho con bú, hay đau nhức vì căng tức sữa sau sinh khiến cho giấc ngủ bị gián đoạn chập chờn, khó quay lại giấc ngủ sau mỗi cữ sữa của con.

Thậm chí ngay cả khi bạn đã sắp xếp nhờ sự hỗ trợ từ chồng, người thân trong việc cho con bú, bạn cũng khó khăn để có một giấc ngủ thoải mái, chất lượng giấc ngủ không hiệu quả vì thay đổi nội tiết tố sau sinh. Nồng độ estrogen và progesterone sụt giảm nghiêm trọng làm ảnh hưởng về tâm lý và cảm xúc của các mẹ bỉm sữa.

Nguyên nhân thứ ba không thể không nhắc đến đó là trầm cảm sau sinh. Mệt mỏi, buồn bã, lo lắng, cảm thấy đơn độc là những cảm xúc tiêu cực bao trùm suy nghĩ của những mẹ bỉm sữa có dấu hiệu trầm cảm. Mất ngủ, rối loạn giấc ngủ là một trong những triệu chứng phổ biến của trầm cảm sau sinh.

Hãy kêu gọi sự giúp đỡ

Mất ngủ không đơn thuần là một sự phiền toái nhẹ mà là một hội chứng rối loạn về giấc ngủ, cần được quan tâm thực sự. Nếu bạn có các đề về giấc ngủ sau khi sinh, bao gồm triệu chứng và dấu hiệu như dưới đây, hãy chia sẻ cho người thân, bạn bè và chuyên viên điều trị để được hỗ trợ kịp thời:

  • Khó quay lại giấc ngủ sau khi cho trẻ bú vào ban đêm, ngủ chập chờn không sâu giấc trong một thời gian dài trên 3 tháng.
  • Ngủ gật: khi việc thiếu ngủ quá lâu làm bạn cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức sống, đặc biệt khi bạn bế cho con bú, việc ngủ gật sẽ dễ gặp nguy hiểm cho trẻ sơ sinh: trẻ bị sặc, trớ sữa mà bạn không biết, hoặc thậm chí làm rơi trẻ.
  • Phản ứng chậm hoặc không phản ứng với sự việc (ví dụ thấy bình sữa đang đun bị khô nước nhưng bạn vẫn chỉ nhìn chăm chăm, không thể phản ứng hay tắt lửa), lo âu, nói chuyện một mình, tự trách bản thân, tuyệt vọng: hãy kịp thời chia sẻ cho người thân trước khi những cảm xúc tiêu cực xâm lấn hết tâm trí bạn, khiến cho bạn có những hành động không kiểm soát làm hại bản thân và con của mình.

Hãy yêu thương và chăm sóc tốt hơn cho giấc ngủ và sức khỏe của bạn.

Theo Chuyên gia tâm lý Thanh Hương

Hãy tham khảo chuyên mục Chăm sóc bản thân của Mẹ & Na để chăm sóc bản thân mẹ thật tốt nha!

Spread the love